Trường hợp nhân viên của công ty bị lừa đảo qua Telegram thì phải làm sao? Rất mong được giải đáp cụ thể về vấn đề này! Trân trọng cảm ơn! – Kiều Oanh (Đồng Nai).

1. “Telegram” là gì?

“Telegram” không phải từ ngữ mang tính chất pháp lý. Tương tự như Zalo, Skype,... Telegram là một ứng dụng dùng để nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng.

2. Các hình thức lừa đảo qua Telegram

Telegram ra đời là để phục vụ công việc của con người được diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện nay, một số kẻ xấu lợi dụng tính “đa nền tảng” của Telegram để thực hiện việc lừa đảo qua nhiều hình thức khác nhau, cụ thể có các hình thức phổ biến như sau:

- Lừa đảo làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng cao.

- Lừa đảo đầu tư tiền ảo.

- Lừa đảo tặng quà miễn phí.

- Lừa đảo bằng cách lấy mã OTP để đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.

3. Cách xử lý khi bị lừa đảo qua Telegram      

Khi bị lừa đảo qua Telegram, người dùng trước hết phải lưu lại tất cả các tin nhắn, đoạn ghi âm, giao dịch,... và bằng chứng cụ thể liên quan đến việc lừa đảo. Sau đó, người dùng thực hiện báo cáo cho Telegram để ứng dụng ngăn chặn ngay việc các nhóm lừa đảo lan truyền, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Tiếp theo, người bị lừa đảo có thể thực hiện việc tố cáo như sau:

(i) Nếu biết được thông tin của đối tượng lừa đảo:  Gọi đến đường dây nóng của cơ quan công an có thẩm quyền nơi đối tượng lừa đảo cư trú.

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN (MIỄN PHÍ) để sử dụng nhiều tiện ích quan trọng (tải file tài liệu, biểu mẫu…)

Cách xử lý khi nhân viên công ty bị lừa đảo qua Telegram (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet).

(ii) Nếu không biết được thông tin của đối tượng lừa đảo: Gọi đến đường dây nóng của cơ quan công an có thẩm quyền nơi người bị lừa đảo cứ trú.

(iii) Gọi vào số điện thoại 113 hoặc 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

(iv) Gửi đơn tố cáo trực tiếp đến cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan điều tra công an các cấp và kèm theo đó là giấy tờ nhân thân của người tố cáo cũng như chứng cứ kèm theo.

4. Quy định trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo

Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi gọn là Bộ luật Hình sự) trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo được quy định cụ thể như sau:

(i) Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

(ii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức.

- Có tính chất chuyên nghiệp.

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

- Tái phạm nguy hiểm.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

(iii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

(iv) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

(v) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.