Chuyện tình khó quên của tác giả bài thơ ‘Lá diêu bông’

Admin
Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010) qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010) qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Hoàng Cầm được giới thiệu nhân dịp Ngày thơ Việt Nam tổ chức đúng rằm tháng Giêng Giáp Thìn. Bởi lẽ, chuyện tình khó quên ấy là một chuyện tình thi ca, chuyện tình hư ảo nhưng ám ảnh khôn nguôi, và giúp nhà thơ Hoàng Cầm có được tuyệt phẩm “Lá diêu bông”.

Bài thơ “Lá diêu bông” ra đời năm 1959, với một mối tình trẻ con giữa không gian văn hóa Kinh Bắc: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo: Đứa nào tìm được lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng”.

Sức quyến rũ của bài thơ “Lá diêu bông” đã kích hoạt nhiều cảm hứng sáng tạo khác. Từ bài thơ “Lá diêu bông”, nhạc sĩ Phạm Duy có ca khúc cùng tên, nhạc sĩ Nguyễn Tiến có ca khúc "Chuyện tình lá diêu bông", còn nhạc sĩ Trần Tiến có ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng”.

Bất ngờ hơn, sau 65 năm kể từ khi bài thơ “Lá diêu bông” xuất hiện, giới trẻ  hôm nay lại thổn thức vì lá diêu bông qua ca khúc “Ngày mai người ta lấy chồng” của Đông Thiên Đức “Hỏi mùa thu đang ru miên man, mỗi năm mùa rơi bao chiếc lá vàng/ Liệu có biết ở nơi nào không, có lá nào trông như lá diêu bông”.

Nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Tên khai sinh Tằng Việt được ghép từ hai địa danh Phúc Tằng và Việt Yên, còn bút danh Hoàng Cầm do ông tự chọn theo một vị thuốc quý mà ông quen thuộc từ nhỏ.

Sau khi đỗ Tú tài, Hoàng Cầm tham gia Vệ quốc đoàn, và từng làm Trưởng đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoàng Cầm cũng là tác giả của vở kịch thơ “Kiều Loan” rất nổi tiếng.

Cuộc đời 88 năm của nhà thơ Hoàng Cầm sống trong cõi mộng nhiều hơn cõi thực. Chính ông thú nhận từ năm 8 tuổi, ông đã biết yêu. Sự rung động khó tin và khó hiểu ấy, được Hoàng Cầm đưa vào thi ca.

Trong bài “Cây tam cúc”, ông viết: “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”. Còn trong bài “Vườn ổi”, ông viết: “Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/ Đi ngày tháng lụi tìm không thấy/ Giải yếm lòng trai mải phất cờ”.

Người chị khiến Hoàng Cầm xao xuyến tên là Vinh. Trong hồi ký của mình, nhà thơ Hoàng Cầm bộc bạch: “Tôi say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ tôi đã hiểu, hiểu rằng thằng con trai đầu lòng đã phải lòng. Chị Vinh hơn tôi 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn tôi lên 8. Tôi lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có “thiên thần của tôi” đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp.

Đặc biệt, chị Vinh hát quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ tôi 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ tôi may ra được 6-7 phần. Tôi cứ thế mê man cho đến khi 12 tuổi.

Cuối năm tôi 12 tuổi đó, chị đi lấy chồng. Trước đó, tôi nào hay biết, cứ theo đuổi như thường. Chị ấy đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga…tôi cũng bám theo, tất nhiên là không nói gì cả, có gọi cũng gọi bằng chị thôi. Trước tiên, đó là tiếng chị bình thường, về sau thành tiếng chị của thơ”.

Nhà thơ Hoàng Cầm lúc viết 'Bên kia sông Đuống'.

Nhà thơ Hoàng Cầm lúc viết "Bên kia sông Đuống".

Nhà thơ Hoàng Cầm có vẻ đẹp trai lãng tử. Đặc biệt đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng của ông có khả năng nói chuyện rủ rỉ rất quyến rũ. Vì vậy, những mỹ nhân vây quanh Hoàng Cầm và nghiêng ngả vì Hoàng Cầm cũng không ít. Thế nhưng, liệt kê một cách chính thống, thì nhà thơ Hoàng Cầm có cả thảy ba người vợ.

Người vợ đầu tiên của nhà thơ Hoàng Cầm là một phụ nữ cùng quê có tên là Hoàng Thị Hoàn. Đó là cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt. Bà Hoàng Thị Hoàn tuy không mang lại cảm hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm sáng tác, nhưng sinh cho ông hai người con, con trai Bùi Hoàng Kỳ và con gái Bùi Hoàng Yến.

Con trai Bùi Hoàng Kỳ không làm thơ như cha, mà trở thành một nhà báo. Còn con gái Bùi Hoàng Yến là một kịch sĩ tài sắc, nhưng bạc mệnh qua đời khi còn rất trẻ. Duyên trăm năm của nhà thơ Hoàng Cầm và bà Hoàng Thị Hoàn, được con trai Bùi Hoàng Kỳ gợi mở: “Chuyện các cụ là bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Hai con người không có tình yêu và cứ xa nhau mãi. Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi, tôi ở với ông bà”.

Người vợ thứ hai của nhà thơ Hoàng Cầm là diễn viên Tuyết Khanh. Khi vở kịch thơ “Kiều Loan” diễn tại chiến khu Việt Bắc năm 1947, thì diễn viên Tuyết Khanh đóng vai nữ chính. Nhan sắc của Tuyết Khanh và tài hoa của Hoàng Cầm không cần ai mai mối cũng đổ ập vào nhau. Kết quả là cô con gái ra đời, được đặt tên theo đúng tên vở kịch thơ là Kiều Loan. Hiện nay, cô con gái Kiều Loan đang sống ở Mỹ.  

Với người vợ Kiều Khanh, nhà thơ Hoàng Cầm viết trong thơ: “Một sợi tóc treo ngang trước mộng/ Một hàng mi rũ bóng bên đèn/ Miệng cười một đoá trao duyên/ Lầu thơ mới dựng chưa quên ý tình/ Anh đã về đây lại gặp mình/ Cõi đời thiên hạ giấc u minh/ Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ/ Vớt mắt em về bến hoá sinh”.

Người vợ thứ ba của nhà thơ Hoàng Cầm là bà Lê Hoàng Yến. Họ đến với nhau khi cả hai đều đã có lần dang dở hôn nhân và có con riêng. Họ cưới nhau vào năm 1955. Bà Lê Hoàng Yến lớn hơn Hoàng Cầm 2 tuổi, được xem là chỗ dựa rất lớn trong thời gian Hoàng Cầm lao đao vì Nhân Văn Giai Phẩm.

Nhà thơ Hoàng Cầm cảm khái về vợ: “Bà là người hiền thục, thật thương yêu chồng con. Tôi đã trao cái gánh nặng cuộc đời cho Hoàng Yến, bà đã giúp tôi đẩy chiếc xe thơ về Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó”.

Cuộc sống gia đình của nhà thơ Hoàng Cầm hiển lộ trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” khá rõ nét: “Bên kia sông Đuống/ Ta có đàn con thơ/ Ngày tranh nhau một bát cháo ngô/ Tối ríu rít chui gầm giường tránh đạn/ Lấy mẹt quây tròn/ Tường làm tổ ấm/ Trong giấc ngây thơ dồn tựa sấm/ Ú ớ cơn mê/ Thon thót giật mình/ Bóng giặc dầy vò/ Những nét môi xinh...”

Một công trình nghiên cứu về nhà thơ Hoàng Cầm.

Một công trình nghiên cứu về nhà thơ Hoàng Cầm.

Thế nhưng, với nhà thơ Hoàng Cầm cũng như với đông đảo người yêu thơ ông, thì mối tình ám ảnh nhất vẫn là câu chuyện “Lá diêu bông”. Nhà thơ Hoàng Cầm kể: “Một đêm, tôi ở phố Lý Quốc Sư - Hà Nội, có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh…  Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này.

Vậy mà rất trong, rõ ràng, có lên xuống trầm bổng hẳn hoi, không phải như ta nói chuyện thường, cũng không phải giọng mẹ tôi, không phải bất cứ người nào, thánh thót êm ái lắm, giọng đọc chính tả. Rất đều đặn, nhịp nhàng từ đầu đến cuối.

Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi. Sáng hôm sau, thức dậy tôi lại bàn bật đèn (vì trời đã sáng nhưng trong nhà còn tối) ngồi tách những câu thơ ra, vì ban đêm, viết dưới ngọn đèn ngủ 6 oát mờ mờ, dòng nọ đè lên dòng kia, có khi hai ba dòng đè lên nhau. Mất cả tiếng đồng hồ mới tách chúng ra xong. Bài thơ “Lá diêu bông” đã ra đời như thế”.

Mời quý vị đón nghe chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 24/3 với chủ đề: “Nhà thơ Hoàng Cầm một thời mộng mị lá diêu bông”.